[Truyện ngắn] Người đàn bà cởi truồng

Published on June 1, 2014   ·   No Comments

Bức tranh treo tại góc thật khuất của phòng triển lãm. Màu sắc, bố cục bình thường. Quá bình thường, nếu không gọi là tầm thường. Một khoảng biển với độ cong lồi lõm bởi dãy chân đá nhô lên giống bàn tay khô khốc úp trên biển. Xám của đá và xanh của biển, trời. Hình ảnh sống giữa bối cảnh buồn tẻ là một người đàn bà đứng trên mỏm đá xa nhất. Hoạ sĩ như bỏ quên những nét trên thân thể người đàn bà khi vẽ. Toàn thân – và ngay cả áo quần nếu có cũng chỉ là một màu trắng nhoà nhoẹt. Duy nhất chỉ còn mái tóc được dùng màu đen là khác biệt. Một mái tóc đang thả trong gió. Bức tranh không nói lên một điều gì. Ngay cả tên tranh cũng không phù hợp, không giải thích thêm cho bức tranh. Khách xem tranh đi ngang hờ hững. Ném cái nhìn, đọc cái tên rồi bỏ đị Từng người, từng nhóm nguời. Vẫn những thái độ như nhau. Góc phòng vắng tênh trong phòng triển lãm như bức tranh trơ trọi giữa bức tường. Một bức tranh bị bỏ quên. Và hoạ sĩ mải mê giải thích những tác phẩm khác cũng bỏ quên góc phòng này. Đó là ngày đầu tiên của tuần lễ triển lãm tranh.
Ngày thứ hai, ngày thứ bạ.. và hôm nay, buổi chiều chót của tuần lễ, bức tranh vẫn bị bỏ quên bởi người xem tranh và họa sĩ. Chẳng một ai thắc mắc hay bỏ thêm vài phút trước một cảnh biển tầm thường, trước một người đàn bà vẽ không rõ nét.

Vào giờ cuối cùng của lần triển lãm hai người đàn bà bước vào. Họa sĩ trong thế ngồi mệt mỏi nhìn hai người khách đang đi qua từng bức tranh. Cái hăm hở để giải thích cho khách xem tranh đã nhạt, đã hết. Lưng tựa vào thành ghế, tay cầm tẩu thuốc chưa đốt họa sĩ cúi xuống mặt đồng hồ.

- Còn 50 phút nữa.

Ông lẩm bẩn câu nói và bắt đầu đốt tẩu thuốc bằng que diêm vừa cháy. Những sợi khói tỏa ra trong phòng triển lãm mhư từng vệt mây nhỏ. Sắc xanh nhạt lung linh trong nắng hắt qua khung cửa sổ làm không khí như lắng xuống trong căn phòng rộng thênh thang chỉ còn ba người. Hai người đàn bà cũng chẳng để ý đến sự có mặt của người đàn ông trong phòng. Họ thì thào nhận xét, phê bình bằng cái nhìn của màu sắc.

Có những tiếng cười, có những cái nhún vai cho mỗi bức tranh. Họa sĩ ngán ngẫm ngắm hai người đàn bà trong lối phục sức sang trọng. Ông đánh giá quần áo của họ bằng ý nghĩ diễu cợt như lời bình phẩm về tranh qua màu sắc của họ. Cái bề ngoài của con người và tranh đã cho ba người cái nhìn đầu tiên trong lần gặp.

Hết tẩu thuốc, họa sĩ đập khẽ miệng tẩu vào chiếc gạt tàn. Tiếng động vang lên, hai người đàn bà giật mình quay lại. Phía sau lưng họ là bức tranh bị bỏ quên. Cả ba nhìn nhau rồi quay về với hành động đang bỏ dở. Họa sĩ lại bắt đầu một tẩu thuốc mới và hai người đàn bà bắt đầu với khoảng biển tầm thường. Người đàn bà đứng bên trái bĩu môi khi đọc cái tên.

- Chẳng có gì lạ cả… ngay cả cái tên cũng kỳ cục. Màu sắc nghèo nàn, cũ kỹ… Một thất bại lớn của người cầm cọ.

Họa sĩ chờ cái nhún vai của người đàn bà bên phải. Nhưng không, trái với thái độ đã có cho những bức tranh khác, người đàn bà bên phải ngây người nhìn bức tranh . Ánh mắt ngơ ngác bám trên từng góc một. Khoảng biển và người đàn bà trong tranh như sống lại trong cái nhìn. Họa sĩ đứng dậy, đến gần họ. Người đàn bà bên trái quay lại.

- Chào ông.

- Chào hai bà. Tôi là họa sĩ…

- Hân hạnh được biết ông.

- Cảm ơn bà.

Mẩu đối thoại bài bản được làm giữa hai người. Người đàn bà bên phải vẫn ngây người trước bức tranh. Mọi việc xảy ra chung quanh hình như không có. Người đàn bà bên trái. Họa sĩ. Những câu nói. Tất cả tách rời khỏi nàng và bức tranh bị bỏ quên. Người đàn bà trong tranh đang sống và khoảng biển trong tranh đang lớn dần. Lớn dần và ôm choàng lấy nàng. Không gian trong một không gian đã có. Bãi viển uốn theo độ cong kỳ cục. Những dãy chân núi đá chạy dài, úp trên mặt biển như bàn tay xám xịt khổng lồ. Và gió. Và tiếng sóng của mỗi buổi chiều ì ầm như tiếng khóc. Người đàn bà đứng trên mỏm đá xa tít, nhìn về biển như nhìn về quá khứ. Toàn thân bất động, chỉ có mái tóc là sống. Phất phơ từng bụm bẩn thỉu – nhưng vẫn sống – như ý sống cô đơn tìm về điều đã mất. Một toàn cảnh cô đơn thường thấy. Ai cũng lần đã gặp, đã hình dung trong những ngày đầu tiên tại đảo.

Họa sĩ đứng đối diện với người đàn bà bên trái, trên tay ông tẩu thuốc đang cháy.

- Tên bức tranh này…

- Không phù hợp với bố cục ? Họa sĩ cắt ngang bằng câu hỏi.

- Vâng, xin lỗi ông về nhận xét đó. Nhưng thật tình tôi hoàn toàn không hiểu.

Họa sĩ mỉm cười trước sự bối rối của người đàn bà bên trái.

- Tôi hiểu điều bà muốn nói. Đây là bức tranh tôi đã vẽ hơn bảy năm. Từ ngày còn ở đảo. Bấy giờ tôi mới tập vẽ.

- Thảo nào…

Người đàn bà bên trái bỏ lửng câu nói. Vẫn cái mỉm cười, họa sĩ gật đầu.

- Bà nhận xét đúng. Bấy giờ tôi đang tập vẽ, chỉ để giết thời giờ rảnh rỗi tại đảo. Tôi vẽ rất nhiều, nhưng chẳng đâu vào đâu cả. Ngay cả bức tranh này… Khung cảnh của biển và hình ảnh người đàn bà điên đứng trên mỏm đá đã cho tôi cảm hứng. Nhưng tôi không diễn đạt được diều mong muốn.

- Người đàn bà điên ?

- Vâng, bà ta điên sau một chuyến đi khủng khiếp.

- Còn tên bức tranh ?

- Đó là bà ta. Một người đàn bà cởi truồng mỗi chiều. Tôi cố tình vẽ một màu trắng trên thân thể. Hoà lẫn thân thể vào chiếc áo sơ mi trắng… Bấy giờ tôi muốn diễn tả sự cô đơn và ngây dại của bà ta trước biển. Và biển là quá khứ với những cơn sóng hung hãn. Nhưng vô ích, tôi đã thất bại như bà thấy. Bức tranh chỉ hoàn toàn ghi lại một cảnh biển của đảo Galang. Mọi điều thai nghén đều bị bít kín.

- Đúng ra bức tranh này phải mang tên của một vùng biển. Có lẽ mọi người sẽ dễ dãi hơn khi nhìn…

- Tôi cũng nghĩ thế. Nhưng đây là một trong những cảm hứng thật của tôi. Dù thất bại…

Người đàn bà bên trái có vẻ thông cảm. Họa sĩ nhìn qua vai người đàn bà bên trái. Bức tranh bị lấp đi một phần. Khoảng biển bị lấp làm màu xanh hẹp lại, và người đàn bà trong tranh lớn lên. Màu trắng của vệt sơn cố tình làm hoà lẫn thân thể người đàn bà và chiếc áo sơ mi trắng như ẩn hiện những nét riêng lẻ. Người đàn ông phết một vệt sơn trắng lên những nét chì phác họa thân thể trần truồng của người đàn bà. Cố tình để nổi bật giữa khoảng trời biển ngập xanh một màu trắng. Trinh tiết hay thê lương. Người đàn ông mỉm cười với ý nghĩ cải lương vừa có. Lại phết lên thêm một đường cọ sơn trắng. Bức tranh đã hoàn thành. Người đàn ông lui lại vài bước. Cảm xúc tràn ngập, bàn tay phải cầm chiếc cọ run run. Ngắm nghía tác phẩm đầu tiên của mình bằng sự mê say. Đã có biển, đã có sóng, đã có người đàn bà cô đơn. Chỉ còn cái tên. Người đàn ông nhìn về phía mỏm đá có người đàn bà điên đang đứng. Mắt người đàn bà điên mở to nhưng trơ tráo không ý sống. Đứng yên, đứng yên như những buổi chiều đã quạ Và bây giờ đứng yên mãi mãi trong bức tranh. Họa sĩ thở dài.

- Sang đến đây tôi mang theo bức tranh. Tiếp tục vẽ những bức tranh mới. Nhìn lại bức tranh này, đã mấy lần định huỷ nhưng lại thôi. Hình ảnh người đàn bà điên mất hút trong trí của tôi. Chỉ còn cái bóng trắng trong bức tranh. Bây giờ nhìn khoảng biển trong tranh tôi hình dung được khoảng biển Galang bảy năm trước. Nhưng chỉ thế. Điểm chính của cảm hứng là người đàn bà thì đã thành cái bóng nhòa nhạt. Lại có lúc tôi tưởng bức tranh không do tôi vẽ.

- Ông từ chối nó ?

- Gần như vậy.

- Hẳn tại sự cách biệt giữa những tác phẩm mới và bức tranh ?

Họa sĩ suy nghĩ một thoáng.

- Tôi không nghĩ thế.

- Tại sao ông lại triển lãm bức tranh này ?

- Tôi cũng không hiểu tại sao. Ngày treo tranh, tôi cũng ngần ngừ định bỏ. Nhưng tự nhiên lại có sự thôi thúc… Sau cùng đành treo vào góc khuất nhất. Mong – không biết tôi dùng tiếng mong có đúng hay không ? – mong mọi người quên nó. Tất cả đã quên trong những ngày quạ Ngay cả tôi, nhưng cuối cùng thì hai bà…

Người đàn bà bên trái im lặng. Phía bên cạnh, người đàn bà bên phải vẫn ngây người trước bức tranh. Cảnh vật biển như quen thuộc lắm. Hình như đã có lần nàng được thấy. Cũng như mỏm đá úp trên biển như bàn tay khộ Cũng hình ảnh một con người đứng chơ vơ trước biển. Nàng cố nhớ, cố nhớ nhưng đành chịu. Nơi nào? Ở đâu? Người đàn bà bên phải đăm đăm nhìn vào người đàn bà trong tranh. Dù chỉ có một vệt trắng là thân thể nhưng sao lại rõ nét. Tưởng như người đàn bà trong tranh đang vẽ ra một đoạn quá khứ. Cái cô đơn trước vùng trời biển mênh mang trong đôi mắt trơ tráo đã là một sự hãi hùng. Có những tiếng cười man rợ trộn lẫn tiếng khóc trên boong tàu hòa vào gió. Và nước mắt, máu đã pha màu biển. Chiều bắt đầu từ hốc mắt trơ như mắt xác chết. Chiều chấm dứt bằng mặt trời chan máu. Ngây ngây đi qua từng con dốc dẫn đến biển. Bên phải, bên trái, sau lưng ngập tiếng cười đủ loại. Chỉ còn con dốc trước mặt là dẫn về sự bình yên. Nhưng con dốc bình yên cũng tận cùng bằng mỏm đá xám úp trên biển. Tận cùng của bình yên là đầu ngõ trở về quá khứ. Biển quá khứ lại ngập tiếng cười man rợ trộn lẫn tiếng khóc trên boong tàu… lẩn quẩn trong trí, ẩn hiện trong mắt một vòng tròn. Thu hẹp và tái diễn mỗi ngày. Cái bệt trắng cô đơn. Rất xa lạ nhưng cũng rất thân quen.

Nguyen-Trong-Tai-8

Người đàn bà bên phải giật mình khi bàn tay người bạn gái đập trên vai.

- Nghĩ gì thế ?

- Bức tranh.

- Bức tranh ?

- Phải. Như quen lắm, nhất là người đàn bà trên mỏm đá.

Người đàn bà bên phải vừa nói vừa quay lại. Họa sĩ gỡ tẩu thuốc khỏi môi.

- Chào bà !

- Chào ông !

Lại những câu đối thoại theo bài bản. Người đàn bà bên trái giới thiệu về họa sĩ. Xong, chỉ bức tranh.

- Đây là một cảnh ở đảo Galang.

- Galang ?

- Bồ không nghe họa sĩ nói về bức tranh này sao ?

- Không.

Người đàn bà bên trái nhún vai. Họa sĩ mỉn cười dễ dãi.

- Bà nghĩ sao về bức tranh ?

- Quen lắm. Người đàn bà bên phải trả lời.

- Chắc tại cảnh biển. Bà có ở Galang ?

- Có ! Nhưng tôi đã nhìn kỹ, ban đầu tưởng do cảnh biển, nhưng sau thấy không phải. Đó là người đàn bà trong tranh. Như quen thuộc lắm.

- Quen thuộc ?

Họa sĩ ngạc nhiên hỏi lại. Người đàn bà bên phải gật đầu.

- Vâng, quen lắm. Mặc dù người trong tranh không được vẽ rõ nét.

- Bà ở Galang năm nào ?

- Cách đây bảy năm.

Họa sĩ bắt đầu để ý đến câu chuyện nhiều hơn.

- Bà có nghe chuyện về một người đàn bà điên. Mỗi chiều chỉ vỏn vẹn chiếc áo sơ mi trên thân thể, lang thang ra biển ?

Người đàn bà bên phải lắc đầu.

-Tôi không biết bà ta và cũng không nghe kể về một người đàn bà nào như thế.

Họa sĩ nhíu mày

- Xin lỗi bà… bà chắc chắn ở đảo Galang bảy năm về trước ?

- Vâng, đúng bảy năm.

- Lạ thật. Mọi người ở Galang vào năm đó đều biết chuyện này. Hình ảnh của bà ta mỗi chiều trên mỏm đá đã là sự bình thường. Suốt thời gian ở đảo, hầu như chiều nào bà ta cũng thế… 8, 9… không 11 tháng thì đúng hơn. Tôi ở Galang 11 tháng. Thời gian không phải ngắn.

Người đàn bà bên phải nói đến một con số của năm.

Họa sĩ gật đầu.

- Vâng, đúng năm đó.

- Thì tôi cũng ở Galang vào năm đó.

- Bà không nghe gì hết ?

- Tôi không nghe về chuyện đó một lần nào cả.

Người đàn bà bên phải lại phủ nhận. Họa sĩ buông thõng câu nói.

- Lạ thật !

- Vâng lạ thật.

- Một hình ảnh mà tất cả mọi người ở đảo đều thấy hoặc biết và khó quên…

- Khó quên…

Người đàn bà bên phải thẫn thờ lập lại hai chữ. Rồi im lặng khi trong đầu buốt nhói một tia sáng. Thân thể đàn bà chỉ còn chiếc áo sơ mi phủ lên, bị bầm dập từng lúc theo cơn ham muốn của bọn hải tặc. Không còn kháng cự hay van xin. Mệt mỏi đến tột cùng. Cái giá của sự hy sinh của ba người đàn bà duy nhất trên tàu đã thành cái chết cho hai người và sự khinh mạn cho một người. Ê hề những giọt nhước mắt khi được ném trả về tàu của mình. Mắt nhắm nghiền, con người hy sinh cho hơn 50 người sống còn không dám nhìn vào những người chịu ơn mình. Khoảng cách đã có từ lúc chiếc tàu hải tặc quay mũi bỏ đị Dưới nắng, dưới gió một thân thể rã rượi nằm cô đơn. Cô đơn từ đó. Người vẫn sống. Người vẫn cầu nguyện các đấng thiêng liêng vừa che chở và mặc nhiên công nhận sự hy sinh là nỗi nhục bình thường. Rồi lần thứ hai, rồi lần thứ bạ Thân thể đàn bà tiếp tục được hy sinh cho đến lúc ý niệm chỉ nỗi trống vắng. Và luôn luôn là chiếc áo sơ mi – vỏn vẹn chiếc áo sơ mi – khi đứng trước biển. Người đàn bà bên phải lắc đầu như muốn xua đuổi ý nghĩ. Nàng quay về phía bức tranh. Bỏ lại sau lưng họa sĩ đang chăm chú nhìn mình. Mái tóc dài hất ra phía sau, ôm trên vai. Họa sĩ đột nhiên thấy người đàn bà bên phải quen thuộc. Hình dáng này hình như họa sĩ đã gặp ở đâu.

Họa sĩ bập một hơi thuốc, nhớ lại những gương mặt đã quen biết tại đảo. Những con người, những cái tên trở về. Nhưng tất cả đều xa lạ với vóc dáng trước mặt. Cố nhớ về hình ảnh người đàn bà điên. Nhưng nhòa nhạt. Cửa ngõ quá khứ khóa chặt trong ý nghĩ.

- Thưa bà.

- Sao ông ?

Người đàn bà bên phải hỏi lại. Họa sĩ ngập ngừng.

- Bà… bà trông quen lắm.

- Tôi ?

- Vâng. Rất quen.

Người đàn bà bên phải cười gượng.

- Có lẽ chúng ta gặp nhau tại đảo. Ông chẳng nói chúng ta ở chung thời gian đó sao ?

- Có lẽ vậy… nhưng…

- Sao ạ ?

- Hình ảnh cuả bà quen lắm. Không thể chỉ đơn thuần là những gương mặt thoáng qua trong thời gian ở đảo.

- Ông nghĩ thế ?

- Tôi chắc thế.

- Còn tôi chắc chắn đây là lần đầu tiên đựơc nói chuyện với ông.

Vẫn nụ cười trên môi người đàn bà bên phải trả lời. Họa sĩ cười gượng. Người đàn bà bên trái từ nãy quan sát hai người bằng đôi mắt ngạc nhiên. Đột nhiên có ý nghĩ hai người trước mặt có điều gì liên quan với nhau. Ý nghĩ đó được nói ra. Người đàn bà bên phải lắc đầu.

- Bồ khéo tưởng tượng.

Họa sĩ và người đàn bà bên trái đưa mắt nhìn nhau. Người đàn bà bên phải thản nhiên.

- Nhưng có gì đâu ? Sao chúng ta không quay về với bức tranh ?

Họa sĩ tán thành.

- Đúng thế.

- Sang Mỹ ông có… gặp người đàn bà điên lại lần nào chưa?

- Chẳng biết bà ta thế nào. Ngay cả tin tức tôi cũng không nghe ai nói. Chỉ biết một điều là bà ta được đưa sang Mỹ điều trị.

Hai người đàn bà im lặng.

- Tôi có để ý đến, nhưng bà ta mất hút. Thỉnh thoảng hỏi thăm những người ở cùng đảo thì cũng chẳng ai biết.

- Sao ông lại quan tâm đến việc này ?

Người đàn bà bên phải chợt hỏi. Họa sĩ đã thôi không còn cười. Ông xoay cái tẩu thuốc thành những vòng tròn trong không khí. Cuối cùng ngưng lại, đuôi chiếc tẩu chỉ vào bức tranh nhưng ánh mắt của họa sĩ vẫn chăm chú vào người đàn bà bên phải.

- Có lẽ tại bức tranh một phần. Một phần vì câu chuyện thương tâm của bà ta, tôi được nghe kể lại.

- Ra thế…

Trái với sự dự đoán của họa sĩ, người đàn bà bên phải chỉ đáp lửng hai tiếng. Không khí chợt im vắng giữa ba người. Phòng triển lãm vẫn vắng tênh, không thêm một người khách nào. Những phút cuối cùng của tuàn lễ đang quạ Sự yên lặng của cảnh vật và con người lúc này làm toàn thể chết như một bức tranh lớn.

Vẫn ý nghĩ cũ trong đầu, họa sĩ cố gắng moi lại trí nhớ. Hình dáng của người đàn bà bên phải làm họa sĩ ngạc nhiên về chính mình. Đâu như đã gặp. Mà phải gặp nhiều lần mới đúng. Bắt buộc phải thế. Hình dáng, mái tóc, thái độ và ngay cả cái xoay lưng… Người đàn bà bên phải vẫn đứng yên trong cái nhìn của họa sĩ. Bàn tay phải nắm lấy sợi dây xách tay. Nước da xanh mét nổi bật trên màu đen của sợi dây. Cánh tay trái buông thõng. Những ngón tay cong lại , bất động. Nhịp thở như không có. Một toàn thể bất động. Người đàn bà đứng yên trong gió. Cánh tay buông thõng, bàn tay bám vạt áo sơ mi trắng. Những ngón tay nhỏ, xanh mét cong như vuốt chim, hằn lên từng sợi gân xanh. Bờ vai nhỏ được mái tóc bẩn thỉu che khuất. Nhịp sống chỉ đong trên tóc, trong từng sợi gân tay. Người đàn ông cầm cọ tại đảo đã có lần đến gần pho tượng người. Và ý nghĩ đó đã có… Như ánh sáng lóe lên từ cuối đường hầm sâu thẳm. Trí nhớ ào về. Ý niệm người đàn bà lặng yên như tượng đá đã gợi lại dĩ vãng. Rất vội vã họa sĩ bước lên 2 bước, sát cạnh người đàn bà bên phải. Nói nhanh, như sợ ý nghĩ rơi tõm vào sự quên lãng đã có.

- Bà… thưa bà…

Người đàn bà bên phải bối rối. Thái độ của họa sĩ làm nàng hiểu.

- Cuối cùng ông cũng nhận rạ

- Đúng ra tôi phải nhận ra từ lúc đầu.

- Có cần lắm không?

Người đàn bà bên phải hờ hững trả lời. Bấy giờ người đàn bà bên trái đã bỏ đi sang góc phòng khác với những bức tranh mới vẽ.

- Bà thay đổi quá nhiều, nhưng thái độ và hình dáng vẫn ẩn hiện những nét cũ.

- Ông tinh lắm.

- Cảm ơn bà. Chẳng qua hình ảnh của bà trên mỏm đá như một pho tượng đã là điều tôi bắt gặp trong suốt thời gian ở đảo. Người đàn bà bên phải đỏ mặt. Họa sĩ vẫn không để ý, tiếp tục câu chuyện.

- Sao bà nhận ra tôi.

- Cho đến bây giờ tôi vẫn không dùng chữ nhận với họa sĩ. Với tôi, đây là lần đầu chúng ta gặp nhau. Qua bức tranh tôi nhận thấy có sự gần gũi. Rồi câu chuyện, rồi tthời gian đều có sự trùng hợp. Tôi biết là tôi trong tranh. Nhưng… nhưng những hành động của tôi ở đảo tôi cũng không biết được.

- Tôi hiểu… Bấy giờ bà bị…

- Dĩ vãng với tôi là điều không nên nhắc tại đây. Ngay cả tôi cũng không biết được ngày ở đảo thế nào. Chỉ loáng thoáng những hình ảnh mờ nhạt. Hình như có, hình như không. Đoạn đời đó cắt rời khỏi cuộc sống của tôi. Cái gạch nối từ ngày vượt biển đến khi xuất viện ở Mỹ hoàn toàn không có. Tôi không biết và cũng chẳng ai nói. Mấu thời gian được nối liền.

Người đàn bà bên phải nhắm mắt lại. Một toà nhà lớn với khuôn viên đầy hoa là nền cho một đoạn đời. Căn phòng hẹp vàu trắng xám, chiếc giường nệm trắng toát, ô cửa sổ, những con nguời đủ loại tuổi… Ngư;ời nữ trợ tá có tên là Nadinẹ Những viên thuốc đủ màu xanh, đỏ, vàng… Cái máy ụp lên đầu chạy ro ro ngày hai bận. Bà quá khứ gợi nhớ bằng những tấm ảnh cũ kỹ. Loáng thoáng từng hình ảnh với mớ ngôn ngữ Anh – Việt lẫn lộn. Cho đến lúc một bàc sĩ Biệt Nam đến. Em và Anh. Sài Gòn và Trưng Vương. Những cái tên, những từ ngữ được chắp nối thành cuộc sống. Để cuối cùng là một cuộc sống chung. Tất cả đã quên, đã bỏ quên. Chẳng cần nhắc lại. Hãy bình yên với ý nghĩ cắt lìa một đoạn đời.

- Bà ở bịnh viện bao lâu ?

- Khoảng hơn bốn năm. Tôi đã ra ngoài sống hơn ba năm. Nhưng có quan trọng gì đâu ? Bốn năm hay bốn mươi năm với tôi vẫn không còn dấu vết. Lờ mờ như giấc ngủ trong cơn bịnh.

- Nhưng…

Họa sĩ lại bỏ lửng câu nói khi gặp ánh mắt người đàn bà bên phải. Ánh mắt sắc lẻm khác hẳn ánh mắt lờ đờ trước khoảng trời biển của đảo 7 năm trước vừa trở lại trong trí nhớ. Họa sĩ cúi xuống. Tia mắt đưa thấp hơn. Vóc dáng người đàn bà bên phải trong bộ quần áo sang trọng vẫn ẩn hiện tấm thân trần truồng phơi lộ trong những buổi chiều cũ. Người đàn bà bên phải theo dõi ánh mắt của họa sĩ. Gương mặt lại bừng đỏ khi thấy cái nhìn của họa sĩ đưa xuống phần dưới thân thể của mình. Nàng có vẻ bực bội.

- Sao ông lại vẽ bức tranh và nhớ câu chuyện?

- Tôi không hiểu.

Họa sĩ trả lời một cách máy móc. Người đàn bà bên phải mím môi, giọng nói lớn hơn.

- Sao ông lại giữ bức tranh?

- Tôi cũng không hiểu, đã nhiều lần tôi định xé bỏ.

- Sao ông lại đem triển lãm?

- Tôi cũng không hiểu.

- Tất cả ông đều không hiểu.

- Phải.

Họa sĩ vẫn trả lời bằng giọng ôn tồn.

- Ông… ông…

- Duy nhất một điều tôi hiểu từ nay không nên nhắc lại câu chuyện này.

- Còn bức tranh?

- Tôi vẫn giữ, nhưng sẽ thay bằng một cái tên khác. Dù sao cũng là một kỷ niệm đối với tôi.

- Cảm ơn ông.

Họa sĩ đưa tay gỡ tên bức tranh vất xuống sàn đá hoạ Không khí như dịu lại giữa hai người. Người đàn bà bên trái đã trở lại chỗ đứng cũ với cái cười.

- Trừ bức tranh này, còn lại tất cả đều đẹp… Ơ kìa sao lại bỏ cái tên?

Họa sĩ gượng gạo.

- Có lẽ nên thay bằng một cái tên khác cho phù hợp với đoạn đời đang sống.

- Tôi cũng nghĩ thế. Ông có thể cho biết tên định thay được chứ?

- Cũng bình thường thôi. Một cái tên bình thường nào đó. Biển Galang chẳng hạn… Hà! Chỉ còn cái tên vùng đất, còn câu chuyện, nét chính của bức tranh đã mất… Người đàn bà bên phải đồng ý với cái gật đầu nhẹ. Hai chiếc hoa tai đong đưa, lấp lánh những viên kim cương nhỏ xíu.

- Phải! Có những điều chúng ta cần quên lãng. Để cuộc sống được trôi êm đềm.

Xoay sang bạn, người đàn bà bên phải tiếp.

- Mình về chứ. Đã chiều rồi.

Họa sĩ có thoáng bối rối hiện trên mặt, lúc sau ông ngập ngừng.

- Bây giờ bà ở đâu?

- Có cần phải trả lời câu hỏi này không? Cuộc sống của tôi hôm nay và ngày xưa hoàn toàn khác biệt. Hãy quên đoạn đời đó…

Họa sĩ im lặng.

- Một địa chỉ, một nơi chốn của thời gian nào đó đôi lúc cũng phải coi như không có. Tôi từ chối… và sự liên lạc giữa chúng ta không nên có. Biển đã xoá dấu chân của người đàn bà điên trên bãi cát.

- Bà…

- Vâng! Tôi hôm nay là thế.

Người đàn bà bên trái nhìn hai người ngạc nhiên.

- Hai người biết nhau hả?

- Không. Chỉ tình cờ ở đảo chung thời gian.

Họa sĩ trả lời thật nhanh. Người đàn bà bên phải nhìn họa sĩ thêm lần nữa rồi kéo tay bạn ra cửa.

- Mình về. Cảm ơn và chào họa sĩ.

- Cảm ơn hai bà.

Đưa hai người đàn bà ra cửa, họa sĩ không nói thêm câu nào. Người đàn bà bên phải đã như trăm ngàn người khách khác vào xem tranh. Họa sĩ bắt đầu giữ lời hứa. Ông nhìn theo hai người cho đến lúc họ khuất dưới chân cầu thang mới quay lại phòng triển lãm. họa sĩ đứng yên, mắt hướng về cuối phòng nơi có treo bức tranh bị bỏ quên thật lâu, rồi lặng lẽ bước ra cửa. Xoay hết vòng khóa, họa sĩ bước xuống thang bằng lối đi của hai người đàn bà vừa đi. Hết dãy thang, ông tiến thẳng về chỗ đậu xe và bắt đầu hòa vào cuộc sống bình thường.

Bên trong phòng triển lãm, bức tranh vẫn nằm trên vách tường. Ánh nắng hắt qua khung cửa sổ không đủ sáng đến góc phòng này. Bức tranh chìm lỉm như phần dĩ vãng của đoạn đơì thêm vào chuỗi dĩ vãng của con người đã cố tình bỏ quên. Và đối thoại giữa họa sĩ và người đàn bà bên phải tưởng như chưa từng có tại đây. Tất cả đã được bỏ quên, đã được che đậy như người đàn bà cởi truồng đã phủ trên người lớp quần áo sang trọng.

Nguyễn Ý Thuần